Gần như ai cũng có nhu cầu tìm cách khử mùi hôi ghế sofa do ghế sofa có mùi hôi khó chịu là điều không thể tránh khỏi sau một thời gian sử dụng. Sofa có mùi hôi không chỉ làm giảm chất lượng của sản phẩm mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của các thành viên trong gia đình bạn. Vậy nguyên nhân nào khiến ghế sofa nhà bạn bị hôi? Cách khử mùi hôi của ghế sofa là gì? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn trả lời được những câu hỏi trên.
Nguyên nhân làm cho ghế sofa có mùi hôi
Nội dung
Ghế sofa nhà bạn dù được làm từ chất liệu vải hay chất liệu da thì trong quá trình sử dụng vẫn rất dễ bị bám bẩn, nấm mốc gây ra những mùi hôi khó chịu khi sử dụng.
Có nhiều nguyên nhân làm ghế sofa có mùi hôi, trong đó có những nguyên nhân xuất phát từ những việc làm đơn giản hằng ngày mà vô tình làm cho ghế có mùi hôi như:
- Mùi mồ hôi của cơ thể người: hiện tượng cơ thể bài tiết mồ hôi hằng ngày là hoạt động bình thường diễn ra sau khi vận động, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt. Khi cơ thể bài tiết mồ hôi nhưng bạn vô tình để mồ hôi bám vào ghế khi ngồi, nằm, đặt chân lên ghế,… kèm theo bụi bẩn sẽ làm vi khuẩn lên men trên bề mặt sofa, gây ra mùi hôi. Càng để lâu không vệ sinh, xử lý sẽ làm cho ghế sofa càng bị hôi.
- Mùi nước tiểu của trẻ em hay thú cưng bám vào ghế: trường hợp này xảy ra phổ biến ở những gia đình có con nhỏ hay có nuôi thú cưng như chó, mèo. Trong nước tiểu có chứa khí amoniac có mùi khai đặc trưng, đặc biệt đối với nước tiểu của chó mèo lại càng nặng mùi hơn. Khi nước tiểu bám vào ghế nhưng bạn không vệ sinh kịp thời hoặc vệ sinh chưa sạch hoàn toàn, lâu ngày cũng sẽ làm cho ghế sofa có mùi hôi.
- Lông thú cưng chó, mèo rơi vãi: Chó, mèo là loài động vật có lông, đặc biệt vào những mùa thay lông thì lông của chúng thường rơi vãi khắp nhà, bám trên ghế sofa và để lại mùi hôi đặc trưng.
- Đồ ăn, thức uống đổ lên ghế mà không làm sạch: Vụn thức ăn hay nước uống trong quá trình bạn ăn uống trên ghế sofa vô tình làm chúng rơi vãi và bám vào ghế, nếu không kịp thời phát hiện và xử lý, lâu ngày các vết bẩn này là môi trường để cho vi khuẩn có hại phát triển gây nên mùi hôi trên ghế sofa.
- Bụi bẩn: Bụi bẩn là một trong những nguyên nhân phổ biến mà gia đình nào cũng gặp phải. Có nhiều nguyên nhân gây ra bụi bẩn: do môi trường bị ô nhiễm, do bạn không vệ sinh hút bụi thường xuyên hay ghế sofa lâu ngày không sử dụng nhưng không được bảo quản hợp lý,…. Ghế sofa bị bám bụi không được vệ sinh lau chùi, hút bụi thường xuyên, khi gặp điều kiện ẩm ướt sẽ làm cho vi khuẩn, nấm mốc sinh sôi nảy nở gây ra mùi hôi cho ghế sofa.
- Ám mùi thuốc lá: những gia đình có người hút thuốc lá, đặc biệt hút thuốc lá trong phòng thường để lại mùi hôi khó chịu. Trong phòng kín, không khí không được lưu thông nên khi hút thuốc lá, khói thuốc sẽ bám vào những vật dụng xung quanh nhà, trong đó có ghế sofa, nếu không được xử lý nhanh chóng và đúng cách sẽ khiến cho ghế sofa bị ám mùi hôi.
- Sofa bị ẩm mốc: nhiệt độ thấp, độ ẩm không khí cao hơn so với mức bình thường là điều kiện để nấm mốc, vi khuẩn hình thành và phát triển mạnh, không chỉ gây ra mùi hôi khó chịu trên ghế mà còn rút ngắn tuổi thọ sử dụng của ghế sofa.
- Mùi sofa da lâu ngày bị lão hóa: Qua quá trình sử dụng, các món đồ nội thất bắt đầu có dấu hiệu “lão hóa”, ghế sofa cũng không ngoại trừ. Đối với những bộ ghế sofa, đặc biệt là sofa da khi bị lão hóa sẽ làm giảm khả năng đàn hồi, gây ra mùi hôi đặc trưng của da dù đã qua xử lý công nghiệp.
Cách khử mùi hôi xuất hiện trên ghế sofa
Để sofa nhà bạn luôn mới như lúc ban đầu và không có mùi hôi thì đầu tiên bạn cần tìm hiểu các nguyên nhân, từ đó tìm ra các cách để ngăn chặn để ghế sofa không bị có mùi. Việc ngăn mùi hôi xuất hiện sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn rất nhiều so với việc tìm ra giải pháp khắc phục khi chúng đã có mùi hôi. Sau đây là một số cách mà bạn có thể tham khảo và áp dụng:
Không tiếp xúc với ghế sofa khi cơ thể bị ướt
Một trong những nguyên tắc cơ bản bảo quản ghế sofa nhà bạn là giữ ghế sofa trong môi trường khô ráo, tránh những nơi có nhiệt độ thấp, ẩm ướt. Chính vì vậy trước khi tiếp xúc trực tiếp với ghế hãy để cơ thể luôn sạch sẽ, khô ráo, tránh trường hợp làm ghế sofa bị ẩm, hình thành nấm mốc gây mùi hôi sau thời gian sử dụng.
Đặt ghế sofa ở những nơi thích hợp
Việc chọn nơi bố trí ghế sofa rất quan trọng, nó ảnh hưởng đến tuổi thọ của ghế. Nên đặt ghế ở những nơi khô ráo, thông thoáng, không đặt ghế ở những nơi có nhiệt độ quá cao hoặc những nơi có nhiệt độ quá thấp sẽ dễ sinh sôi nấm mốc, vi khuẩn gây mùi hôi cho ghế sofa.
Ngoài ra, không nên đặt ghế sofa dính sát vào tường, giữ khoảng cách tối thiểu là 30cm sẽ giúp không gian thoáng hơn, thuận tiện khi bạn vệ sinh, lau chùi ghế sofa.
Xử lý các vết bẩn bám trên ghế nhanh chóng
Các vết bẩn bám càng lâu sẽ càng khó xử lý, lâu ngày sẽ là nơi tích tụ nhiều vi khuẩn gây hại. Việc xử lý nhanh chóng và kịp thời sẽ loại bỏ các vết bẩn một cách dễ dàng và hiệu quả hơn, hạn chế phát sinh mùi hôi lưu trên ghế.
Vệ sinh và bảo dưỡng ghế sofa định kỳ
Ghế sofa sau thời gian sử dụng sẽ bị bám bẩn, vì vậy giặt ghế sofa đều đặn, thoa kem dưỡng định kỳ sẽ loại bỏ hết những bụi bẩn bám trên ghế và giữ cho ghế luôn như mới. Ngoài ra còn giúp kéo dài thời gian bị “lão hóa” của ghế.
Dùng áo ghế sofa để bảo vệ ghế
Dùng thêm lớp vỏ bọc trên bề mặt ghế sofa (ga bọc sofa, áo ghế, bọc ghế) không những làm tăng thêm vẻ đẹp bên ngoài mà còn bảo vệ bề mặt ghế sofa nhà bạn, tránh những vết bẩn, trầy xước hoặc bị rách trong quá trình sử dụng, ngoài ra chúng còn rất dễ vệ sinh, giặt sạch nên sẽ không để lại mùi hôi trên ghế.
Đặc biệt đối với ghế sofa không được sử dụng trong thời gian dài thì việc sử dụng màng bọc là rất cần thiết, bảo vệ ghế sofa khỏi những bụi bẩn bám vào hay những côn trùng, chuột, gián,… làm hư hỏng ghế.
Cách khử mùi hôi trên ghế sofa
Nếu ghế sofa nhà bạn có mùi hôi thì hãy áp dụng các phương pháp dưới đây để loại bỏ mùi hôi khó chịu.
Sử dụng Baking soda
Baking soda ngoài công dụng được dùng để làm bánh thì còn có công dụng khử mùi hôi. Cách khử mùi này rất đơn giản và hiệu quả, đặc biệt khi sử dụng baking soda để loại bỏ mùi hôi trên ghế sofa không gây ra mùi khó chịu như mùi hóa chất.
Bạn chỉ cần rải bột baking soda lên bề mặt ghế sofa để trong vòng vài tiếng hoặc để qua đêm để bột thấm sâu vào ghế. Sau đó, dùng máy hút bụi hoặc khăn mềm lau sạch lớp bột baking soda. Với cách làm này không chỉ giúp khử mùi hôi mà còn loại bỏ được những vết mốc bám trên ghế sofa.
Khử mùi hôi của ghế sofa bằng giấm
Giấm là sản phẩm được dùng nhiều trong nhà bếp, nhưng với đặc tính diệt khuẩn, tẩy trắng, khử mùi nên chúng được nhiều gia đình lựa chọn để làm sạch và khử mùi hôi cho ghế sofa. Với những nguyên liệu đơn giản, dễ tìm bạn có thể tự pha chế dung dịch khử mùi cho ghế sofa theo các cách sau:
- Đối với ghế sofa bọc da: pha giấm trắng và dầu ô liu theo tỉ lệ 1:2
- Đối với ghế sofa bọc vải: pha giấm trắng, cồn tẩy rửa và nước theo tỉ lệ 1:1:2
- Đối với ghế sofa bọc vải tổng hợp: pha giấm trắng, nước ấm theo tỉ lệ 1:2 và một chút nước rửa bát.
Sau khi làm sạch bề mặt ghế, bằng máy hút bụi hay khăn sạch, thoa hỗn hợp đã pha chế trên nhẹ nhàng lên ghế, đợi cho đến khi hỗn hợp này thấm sâu hoàn toàn vào bề mặt ghế thì dùng khăn mềm, sạch lau lại ghế sofa.
Lưu ý:
- Trước khi pha chế hỗn hợp khử mùi hôi cho ghế sofa phải cần nắm rõ về chất liệu của ghế, nếu không chắc chắn bạn có thể kiểm tra trên nhãn mác trên sofa. Tùy vào từng chất liệu khác sẽ có những cách pha chế dung dịch khác nhau để mang lại hiệu quả khử mùi cao.
- Chỉ được sử dụng giấm trắng, không dùng rượu vang trắng thay thế cho giấm.
- Có thể thêm vài giọt tinh dầu thơm vào hỗn hợp trên để giúp tăng mùi thơm cho ghế sofa nhà bạn.
Xịt khử mùi
Để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dùng, hiện nay trên thị trường có rất nhiều dung dịch có công dụng khử mùi hôi của ghế sofa. Được điều chế với nhiều mùi hương khác nhau, mang lại nhiều sự lựa chọn cho người dùng. Bạn có thể lựa chọn những mùi hương yêu thích, sau đó xịt trực tiếp lên bề mặt ghế sofa sẽ mang lại hiệu quả khử mùi hôi tức thì và làm thơm ghế sofa. Khi cầm chai xịt khử mùi bạn cần xịt cách bề mặt ghế khoảng 30cm để tránh trường hợp xịt quá nhiều gây ẩm ghế. Nên tập trung xịt vào những nơi bị ám mùi hôi, trong trường hợp không xác định được vị trí có mùi, bạn có thể xịt lên toàn bộ bề mặt ghế, nhưng hãy xịt một lớp mỏng.
Dùng than củi khử để mùi hôi của ghế sofa
Than củi có công dụng hút ẩm, khử mùi nên từ trước đến nay được nhiều người lựa chọn để khử mùi hôi, ẩm mốc trong tủ giày, quần áo và ghế sofa,…Than củi khi đã cháy hết, để chúng thật khô, sau đó dùng một miếng vải cotton bọc lại thật kỹ, đặt trên ghế sofa. Than củi sẽ hút ẩm, loại bỏ những mùi hôi ẩm mốc trên ghế sofa rất hiệu quả. Cần lưu ý chỉ nên sử dụng vải bọc than củi có chất liệu cotton, để thông thoáng, tăng khả năng hút ẩm, hút mùi của than củi. Khi lựa chọn than bạn nên lựa chọn loại than sạch để tránh làm bẩn miếng vải bọc, hạn chế việc bám bẩn lên ghế sofa.
Ngoài ra, trên thị trường hiện nay có bán rất nhiều loại hộp than hút ẩm, khử mùi, rất tiện lợi và mang lại hiệu quả cao. Bạn có thể dễ dàng tìm mua ở các siêu thị, cửa hàng nội thất,…
Dùng bàn ủi hơi nước/ máy phun hút hơi nước nóng áp suất cao
Làm sạch ghế sofa bằng hơi nước nóng có áp suất cao thường được sử dụng phổ biến trong các dịch vụ vệ sinh công nghiệp. Tuy nhiên, bạn cũng có thể áp dụng cách vệ sinh này ngay tại nhà nếu có bàn ủi hơi nước hoặc máy phun hút hơi nước nóng. Đưa bàn ủi hơi nước hoặc máy phun hút hơi nước nóng vào những chỗ có vết bẩn bám trên ghế sofa. Hơi nước nóng có công dụng tiêu diệt các ký sinh, vi khuẩn, sẽ nhanh chóng đánh bay các vết bẩn cứng đầu cùng với mùi khó chịu trên ghế.
Một mẹo nhỏ để nâng cao hiệu quả khử mùi hôi cho ghế sofa, làm thơm ghế sofa sau khi vệ sinh ghế, bạn có thể dùng những tinh dầu thơm tự nhiên, sẽ giúp ghế sofa có mùi thơm hơn, mang lại cảm giác thoải mái, dễ chịu khi sử dụng.
Giặt sạch ghế sofa
Giặt ghế sofa định kỳ và thường xuyên đây là giải pháp mang lại hiệu quả cao nhất, không chỉ giúp loại bỏ những vết bụi bẩn bám kèm theo những mùi hôi khó chịu của ghế sofa. Khi ghế sofa được vệ sinh sạch sẽ không còn môi trường cho những vi khuẩn, nấm mốc hình thành và phát triển. Trước khi giặt ghế sofa bạn cần tìm hiểu rõ về chất liệu của ghế từ đó lựa chọn cách giặt ghế cho phù hợp, tránh làm ảnh hưởng đến chất lượng của ghế.
Tuy nhiên, không phải giặt thường xuyên và nhiều lần là tốt cho ghế sofa, một năm chỉ nên giặt từ 1-2 lần là tốt nhất. Tần suất vệ sinh càng dày đồng nghĩa với việc sử dụng hóa chất sẽ càng nhiều, làm ảnh hưởng đến độ bền của ghế. Nếu gia đình bạn có điều kiện thì có thể thuê dịch vụ giặt ghế sofa hoặc có thể tự tay làm sạch ghế sofa ngay tại nhà.
Trên đây là những cách khử mùi hôi của ghế sofa thông dụng và mang lại hiệu quả cao. Hy vọng những phương pháp trên sẽ giúp ghế sofa nhà bạn luôn được thơm mới như lúc ban đầu.